Hội chứng rượu bào thai: triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị

Tại Mỹ, cứ 1000 trẻ được sinh ra thì có 6-9 trẻ mắc hội chứng này. Tỉ lệ này còn cao hơn ở những dân số thu nhập thấp hoặc dân tộc thiểu số.

Cơ chế chính xác mà rượu gây dị tật thai cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Vì lí do đạo đức chúng ta đâu thể nghiên cứu về tác động của rượu lên não bộ của thai nhi.

Hầu hết, từ các nghiên cứu trên động vật, chúng ta biết rằng rượu là một tác nhân gây quái thai. Và tác động của nó lên hệ thống thần kinh cao cấp nhất là không thể phục hồi.

Mức độ ảnh hưởng là rất rộng, rượu không chỉ làm giảm thể tích não mà còn làm hỏng các cấu trúc não.

Rượu là tác nhân gây quái thai thường gặp. Rượu dễ dàng đi qua nhau thai, từ đó tác động lên não và các cơ quan khác của bé. Ảnh hưởng của nó là rất rộng và không thể đảo ngược.

Tiếp xúc càng nhiều rượu càng tăng tỉ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của các rối loạn phổ rượu thai nhi. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chứng minh uống lượng rượu tối đa bao nhiêu thì an toàn cho thai.

Cũng không xác định được uống vào thời gian nào trong thai kì thì thai được an toàn. Mang thai 9 tháng 10 ngày, ngày nào mẹ uống rượu là nguy cơ cho con bắt đầu được tính từ ngày đó. Phơi nhiễm rượu trong ba tháng đầu – có lẽ trước khi mẹ biết có thai – có thể gây ra dị tật bẩm sinh nặng.

Càng về sau của thai kì, uống rượu làm tăng tỉ lệ sảy thai, thai chậm tăng trưởng, gây bất thường não. Khiến cho bé khi sinh ra dễ gặp các vấn đề nguy hiểm như suy hô hấp, suy tuần hoàn…Hoặc khi lớn lên, bé có thể gặp khó khăn trong điều khiển hành vi, giảm khả năng học hành.

Những vấn đề này có thể được ngăn ngừa bằng cách không uống bất kỳ rượu trong khi mang thai. Không uống nếu bạn đang cố gắng mang thai hoặc nghĩ rằng mình có thể đang mang thai.

Không có lượng rượu an toàn được biết đến để uống trong khi mang thai. Bất kỳ lượng rượu nào cũng có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển và làm tăng nguy cơ sảy thai.

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hội chứng rượu bào thai là khác nhau ở mỗi em bé. Các triệu chứng không chỉ xuất hiện khi bé đang ở trong bụng mẹ. Những tác động của rượu vẫn còn để lại hậu quả khi bé lớn lên, khiến cho bé khó khăn hơn trong học tập, vui chơi thường ngày.





Khiếm khuyết về thể chất



Bất thường não



Các vấn đề xã hội và hành vi





  • Khuôn mặt đặc biệt: mắt nhỏ, môi trên mỏng, mũi ngắn, hếch, không có rãnh nhân trung giữa mũi và môi.
  • Biến dạng chân tay, các khớp.
  • Chậm tăng cân và chiều dài/cao trước và sau khi sinh.
  • Khó nhìn hoặc khó nghe.
  • Chu vi đầu và kích thước não nhỏ.
  • Dị tật tim, thận, xương…



  • Thăng bằng kém.
  • Trí thông minh giảm.
  • Trí nhớ kém.
  • Giảm sự chú ý và xử lý thông tin chậm.
  • Khó khăn với lý luận, giải quyết vấn đề,
  • Khả năng phán đoán kém.
  • Tăng động.
  • Cảm xúc thất thường.



  • Thích nghi với những thay đổi kém hoặc khó khán khi đổi bạn học nhóm.
  • Tương tác với bạn bè kém, dễ gặp phiền toái.
  • Hành vi và xung động khó được kiểm soát.
  • Khó lập kế hoạch hoặc làm việc hướng tới một mục tiêu.





Mỗi một rối loạn trong rối loạn phổ rượu thai nhi đều có những tiêu chuẩn chẩn đoán cụ thể. Để chẩn đoán hội chứng rượu bào thai, cần thỏa mãn các tiêu chí sau:

  • Có 2/3 triệu chứng đặc trưng bất thường ở mặt: chiều dài khe mắt ngắn, môi trên mỏng, mất/mờ đường nhân trung.
  • Chậm phát triển trước và/hoặc sau sinh.
  • Khiếm khuyết hệ thần kinh trung ương.


Các vấn đề hành vi không xuất hiện lúc sinh, nhưng khi bé lớn lên, chúng bắt đầu hiện rõ. Trẻ bị hội chứng rượu bào thai có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần sau:

  • Rối loạn tăng động/giảm chú ý, không tập trung để học hành.
  • Gây hấn, xâm phạm, phá vỡ các quy tắc xã hội, hành xử không thích hợp.
  • Lạm dụng rượu hoặc ma túy.
  • Rối loạn trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn ăn uống.
  • Hành vi tình dục không phù hợp.
  • Tai nạn giao thông, giết người hoặc tự sát.

Những khiếm khuyết về thể chất do phơi nhiễm rượu trước khi sinh là vĩnh viễn, không chữa khỏi được. Tuy nhiên, các dịch vụ chăm sóc y tế có thể giúp giảm một số ảnh hưởng của hội chứng này. Đồng thời ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.

Bé có thể cần một đội ngũ chăm sóc phù hợp bao gồm: chuyên viên tâm lí, nhà trị liệu ngôn ngữ, trị liệu vật lý và nghề nghiệp. Việc can thiệp sớm có thể giúp bé:

  • Đi lại, nói chuyện và phát triển kỹ năng xã hội.
  • Giải quyết các vấn đề về học tập và hành vi.
  • Có thể bé cần phải sử dụng một số thuốc để giảm triệu chứng. Khi đó bạn sẽ cần tìm thêm cho bé một bác sĩ tâm thần nhi.
  • Giải quyết vấn đề sử dụng rượu và các chất khác, nếu có.
  • Dạy nghề và rèn luyện kỹ năng sống.

Với cha mẹ, những khó khăn trong việc nuôi dạy, chăm sóc con từ khi mới sinh ra đã là rất lớn. Chưa kể với một đứa bé có rối loạn do tiếp xúc rượu từ khi còn trong bụng mẹ. Chắc chắn những trở ngại đó sẽ lớn gấp nhiều lần. Vì thế họ cũng cần được hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn cách chăm sóc trẻ.

Trước hết, cần giải quyết vấn đề sử dụng rượu của người mẹ. Điều này cho phép mẹ có thể nuôi dạy con tốt hơn và ngăn ngừa việc lần mang thai tiếp theo không bị ảnh hưởng bởi rượu. Các bác sĩ tâm thần và tâm lí gia có thể giúp được bạn, nếu cần.

  • Nhận ra điểm mạnh và hạn chế của con bạn.
  • Thực hiện các thói quen hàng ngày.
  • Tạo ra các thói quen tốt cho bé.
  • Đặt ra và thực thi các quy tắc đơn giản.
  • Lặp lại nhiều lần để củng cố việc học.
  • Chỉ ra cho bé những hành vi nào là được chấp nhận. Sử dụng phần thưởng để củng cố hành vi này.
  • Dạy trẻ kỹ năng sinh hoạt hàng ngày và tương tác xã hội.
  • Bảo vệ con bạn khỏi lạm dụng thể chất, tinh thần. Vì rất nhiều trẻ mắc hội chứng rượu bào thai có nguy cơ bị lạm dụng.

Hội chứng rượu bào thai đặc trưng bởi những khiếm khuyết không thể hồi phục ở não, hình dạng mặt do sự tiếp xúc với rượu của em bé khi còn nằm trong bụng mẹ. Phòng ngừa không sử dụng rượu trong độ tuổi sinh sản là cách tốt nhất ngừa hội chứng này.